Wednesday, June 18, 2008

Làng tôi

Người viết, Tôn Nữ Phương Thảo, người con gái thích chơi ngẵng từ bé, cháu gọi tôi bằng cậu. Cùng với mẹ và người em gái sang Mỹ đoàn tụ với cha sau bao nhiêu năm đợi chờ giấy tờ bảo lãnh. Học xong đại học ở Mỹ, một lần nữa chơi ngẵng và cường độ hơn, trở về Việt Nam làm việc trong ngành ngân hàng, lấy chồng và sinh con.
Phuơng Thảo sống và lớn ở Sàigòn, ra đi và trở lại Sàigòn. Vậy mà Huế vẫn luôn là giọt nước mắt nóng-hổi-ray-rứt-hòai-hương của riêng Phương Thảo. Và có lẽ cũng là của chung cho tất cả "Huế mình".
Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
o đau sương khói một mình
tui đi ray rứt Nội thành tái tê
Trích trong Huế Buồn Chi của nhà thờ Hoàng Xuân Sơn, một rất "Huế mình" và cũng là cậu của Phương Thảo.


Làng Long Hồ của bà ngoại tôi là một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế chỉ khoảng 3 cây số đi từ hướng chùa Thiên Mụ vô. Thời thơ ấu tôi đã đến đó nhiều lần cùng với mẹ. Nhiều năm trôi qua, vật đổi sao dời, moi thứ đã thay đổi nhưng ký ức về ngôi làng nhỏ đó vẫn tươi nguyên như ngày nào trong lòng tôi. Nhịp sống thanh bình ờ làng vào những buổi chiều tà thơm mát như vẫn còn đâu đó trong tâm tưởng.

Chiều xuống dần, khi mặt trời hãy còn lấp ló sau dãy Ngự Bình thì cũng là lúc những người nông dân về nhà sau một ngày dài phơi mình với đồng ruộng. Vài con chó vẫy đuôi sủa mừng đón chủ. Những con trâu đang chậm rãi bước về chuồng. Nằm vắt vẻo trên lưng một con trâu, anh trai làng đắm mình trong điệu sáo trúc. Đây đó vài em bé đang thả diều, xa xa đàn bò lười biếng nằm nhai lại….

Bên bến sông làng cô thôn nữ vừa vo gạo nấu cơm chiều vừa nghêu ngao hát một bài dân ca cũ. Xuôi theo dòng Hương giang, một con thuyền câu lững lờ trôi. Hai bên bờ sông, những lũy tre xanh ngát soi mình xuống dòng sông xanh. Và về phía những cánh đồng là những vạt lúa chín vàng mênh mông óng vàng trong ánh chiều tà.

Chiều muộn hơn, khói bếp bắt đầu lan tỏa. Mùi cơm chín, thịt nướng, mùi rơm rạ đun bếp và cả mùi oai oải của phân trâu bò khô quyện lại thành một thứ hương quê mê đắm.

Xa xa vọng lại tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông chiều tan vào buổi chiều kết thúc một ngày. Tiếng chuông chiều đó có lẽ còn xưa hơn bài dân ca cô thôn nữ hát, vẫn ngân nga mỗi chiều từ thuở hồng hoang ngôi làng bước vào cuộc sống.

Một ngày như mọi ngày ở ngôi làng cổ. Mọi thứ vẫn vậy. Chẳng có gì mới hơn. Người dân quê vẫn sống cuộc đời thường nhật. Tiếng chuông chiều vẫn ngân nga mỗi chiều từ hàng trăm năm nay, kéo dài quá khứ nối liền hiện tại cũng như bài hát dân ca cũ các cô thôn quê vẫn hát mỗi chiều.

Dạo đó mẹ tôi vẫn thường đưa hai chị em tôi về làng mỗi độ hè về. Tuổi thơ tôi ở đó cũng như bao đứa trẻ quê khác đong đầy những trò chơi quê với ô làng (ô quan), đánh đũa, cưỡi trâu, thổi sáo, thả diều….

Rồi một ngày chiến sự lan đến vùng làng quê nghèo khó của tôi. Đó là những ngày đầu xuân 1975…
Dân cư khắp bốn vùng chiến thuật tràn về thành phố. Ngôi nhà ở Saigon của gia đình tôi chật đầy bà con, họ hàng, bạn bè. Người đến từ ngôi làng nhỏ Long Hồ, người vô từ đô thị Huế gần đó, số khác từ miền Trung du xuống…. Tất cả đều tản cư về phương Nam để tránh những trận chiến khốc liệt của quân Bắc Việt. Tôi đã thật vui mừng gặp lại những người bạn cũ và anh chị em họ ở làng. Thuở đó ở tuổi lên 10 vô tư chúng tôi nào có để ý đến thời sự và chiến tranh…

Rồi Saigon thất thủ. Cuộc nội chiến hơn hai mươi năm kết thúc.

Mọi người rời đi. Một số trở về quê cũ, số khác di tản khỏi Việt nam, số thì ở lại Saigon.
Cuộc sống thời hậu chiến vô vàn khó khăn. Đất nước thoát cảnh chiến tranh nhưng lại đối mặt với nghèo đói và bệnh tật. Người ta vẫn chết không vì bom bay đạn lạc mà vì bần cùng và cả vì những quả bom hay mìn còn sót lại đây đó trong lòng đất Việt nam. Rồi một ngày kia tôi được tin một người bạn thời thơ ấu chết vì dẫm phải mìn khi đang cùng với con trâu cày bừa trên mảnh ruộng nhà. Cả người và vật đều tan vào với đất….

Tôi đã không trở về làng từ dạo đó.

Nhiều năm trôi qua…

Rồi một ngày của năm 2001 tôi trở về Huế. Tôi đã đi thăm lại nhiều chốn cũ của tuổi thơ tôi. Tôi về thăm lại ngôi nhà hương hỏa bên nội, nơi tôi trải qua năm đầu của cuộc đời tôi. Tôi đi thăm Phủ Tuy Lý nơi mẹ tôi sống thời thơ ấu của bà cùng với các cậu. Tôi về Vỹ dạ, tôi qua Đập đá. Tôi đi viếng mộ ông bà nội ngoại của tôi. Tôi đến chùa Thiên Mụ nơi tôi được ba mẹ bế đến Quy Y tam bảo…Nhưng hơn tất cả mọi nơi, có một nơi trái tim tôi thổn thức đòi về. Tôi đã sợ không dám về thăm ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hương.

Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi tôi rời Huế. Cảnh vật đã khác xưa. Không một nơi tôi về còn lại như cũ. Mọi thứ không như tôi vẫn hằng nhớ và hồn tôi nặng trĩu trên từng bước chân về lối cũ, về miền ký ức thuở nào… Trái tim tan nát của tôi mách bảo tôi đừng về nơi ấy về lại ngôi làng xưa yêu dấu để rồi thấy mình là kẻ lạ ở chốn xưa.

Tôi rời Huế…lòng vẫn tự hỏi lòng….nơi ấy thế nào?.... “và những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ” (thơ Vũ Đình Liên). Và có lẽ tôi cũng không muốn biết câu trả lời.

Rồi cùng thời gian qua…cuộc sống tôi cũng thay đổi với những bộn bề lo toan đời thường.
Thế nhưng đâu đó trong miền ký ức vẫn là con bé tôi ở ngôi làng cũ ấy của hơn 30 năm về trước. Tôi hứa với hai con gái một ngày nào đó tôi sẽ đưa con về làng, ngôi làng xưa đã lưu giữ một phần tuổi thơ tôi. Còn giờ đây chỉ còn trong giấc mơ, ngôi làng cũ sống động hơn bao giờ, vẫn còn đó những thằng bé cưỡi trâu, tiếng chó sủa dồn, tiếng gà me cục tác gọi đàn con về chuồng. Tôi lại nghe thấy mùi rơm rạ cháy và cả tiếng côn trùng rả rích trong những đêm hè…
Như có một gịot nuoc mắt nóng hổi vùa lăn xuống, và tôi nhận ra rằng vùng đất ấy vẫn luôn luôn sưởi ấm tim tôi chừng nào trái tim ây vẫn còn đập nhịp với đời….
Tôn Nữ Phương Thảo

1 comment:

Nguyễn Hoàng Hà said...

Cảm động lắm, Bambi.Văn chương vẫn mang cái nội tình da diết tha thiết của Mẹ, của các cậu, và của Huế mền.

Cậu Sơn.q