Thursday, June 26, 2008

Vào Hạ

Gửi tất cả bạn bè Đại Trung Tiểu học.


Những chiếc bong bóng màu đen và dòng chữ màu vàng nhủ trưng bày trong các cửa tiệm báo hiệu mùa lễ ra trường. Những chiếc áo dài rộng “tiểu đăng khoa” chập chùng như sóng trong khuôn viên trường học, những chiếc nón hình thoi được tung lên trời cao, hân hoan chấm dứt một cấp lớp hay một đời kinh sử. Tất cả là hình ảnh rạng ngời để chào đón một mùa hè rực nắng.

Vào Hạ.

Bạn ơi, nhớ quá một thời của quần xanh áo trắng, của áo dài mát rượi hơn ba mươi năm về trước……..

Ngày xa xưa ấy
Có những chuyện tình
Trắng màu học trò
Ngày xa xưa ấy
Có những kỷ niệm
Thắm màu phượng đỏ….

Ngày xa xưa ấy, thời gian vô tư và thú vị nhất của một đời người. Thửo làm học trò. Thửo làm thơ tỏ tình rồi ngần ngại không biết làm sao đưa thư. Thửo gõ guốc trong sân trường và hằng mong có nhiều đôi mắt cuốn theo tà áo dài thướt tha. Thửo mặt chợt đỏ bừng vì vừa bắt gặp được ánh mắt nhìn trộm của người bạn trai cùng trường. Thửo theo “NGỌ”* về những buổi tan trường ngập đầy hoa phượng. Thửo trốn học ngồi si tình cô hàng cà phê bên con đường lá me giăng kín.
Thuở kỷ niệm trắng ngần một thời thơ ấy.

Nguyễn Hoàng Hà - Hạ/2008
*Ngày xưa Hoàng Thị - Phạm Thiên Thư

Wednesday, June 25, 2008

Huế Từ Phong Vũ

Hoàng Hương Thủy
Chị Thủy, chị của tôi.
Rất ngắn, không có chị Thủy, tôi không phải là tôi ngày hôm nay. Không có bút, không có văn, không có nhạc, và có lẽ cũng không có tâm, không có lòng trong tôi.
Rất ngắn, vì không thể viết hết những gì muốn viết về chị.
Chỉ biết, bây giờ - thấy CHỊ như thấy MẠ.
LoLo


“Huế Từ Phong Vũ” là tựa đề một bài thơ của Hoàng Xuân Sơn trong tập thơ “Huế Buồn Chi”.
Tôi mượn lời và ý của bài thơ để dễ dàng đến với Huế, với Đồng Khánh và Quốc Học khi mà tôi đã rời xa nơi chốn thương yêu ấy cũng đã hơn 45 năm. Vậy xin cho tôi được trở lại Huế, làm học sinh của Huế, ngày hai buổi dầm mưa đến trường, áo dài trắng sủng nước, chiếc nón lá phập phồng muốn bay. Rét mướt và ướt át, thế mà sao lại thấy quá vui và ấm áp? Có lẽ vì trên con đường Lê Lợi ấy lũ lượt bầy con gái Đồng Khánh và lũ con trai Quốc Học, rổn rảng nói cười hay e ấp kéo vành nón để che dấu đôi mắt vương tơ khi có một chàng Quốc Học đạp xe qua với ánh nhìn lung linh sương khói.
Nhớ Huế, nhớ trường học là nhớ mùa mưa bão lụt lội. Sung sướng nhất là tin mưa gió nặng nề, Đập Đá ngập nước, học sinh được về sớm… để rồi con đường học trò ấy đón nhận bầy con gái áo trắng tuôn ra từ các cổng trường như những cánh bướm chập chờn tung bay…
“Khi những cành cây gió đổi chiều
Tôi về nghe nặng bước xiêu xiêu
Hỡi ơi mưa gió là phong vũ
Mà suốt đời em tôi đã yêu.”
Hoàng Xuân Sơn gọi Huế dấu yêu một thời Đồng Khánh Quốc Học với tiếng “em” ngọt mềm, với tình yêu và nỗi nhớ khôn nguôi. Ngày xưa tôi yêu tiếng “em” của Vũ Thành trong “Giấc Mơ Hồi Hương” khi nhạc sĩ giã từ Hà Nội. Tiếng gọi “em Hà Nội” đẹp và tình như nỗi bịn rịn của người Hà Nội khi phải rời xa thành phố dấu yêu của trai thanh gái lịch. “Nhìn em mờ trong sương khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời, lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly…”
Hoàng Xuân Sơn đã làm sống lại nhạc tình muôn thưở của một nhạc sĩ tài danh. Cám ơn Hoàng Xuân Sơn đã cho tôi trở về Huế, về với Đồng Khánh Quốc Học trong một cuộc tình lỡ “Tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.”
Cựu học sinh Quốc Học bây giờ đi tở mở khắp nơi. Các bạn cựu học sinh Quốc Học trong nước muốn gom lại những mảnh tình cho Huế, cho Quốc Học thành một khối tình của cái thời mới lớn, lãng mạn và đẹp nhất trong suốt cả cuộc đời để ghi dấu vào một tập san, mở rộng níu kéo bạn bè từ khăp nơi viết về Huế, về Quốc Học với những dấu ái khó quên…
Cô Diệu Trang dặn viết với chủ đề Quốc Học. Thật quá khó cho lũ con gái chúng tôi vào đầu thập niên 60, vì chúng tôi chỉ có một năm học cuối cùng ở đó. Lớp Đệ Nhất Quốc Học là niềm mơ ước của lũ học trò Đệ nhât cấp, của Đệ Tam và Đệ Nhị. Đàn anh, đàn chị mà! Quá oai!
Trước chúng tôi, các lớp đàn chị được học Quốc Học đến 3 năm vì Đồng Khánh chưa có cấp 3 Tú Tài. Sau lớp chúng tôi 3 năm, các cô đồng Khánh đàn em không phải rời Đồng Khánh, không được qua Quốc Học học chung với con trai, vì Đồng Khánh đã trưởng thành, lớn mạnh, có đủ thầy, cô, và học trò cho lớp Đệ Nhất.
Vào Đệ Nhất Quốc Học sau khi đã trầy vi tróc vảy để đậu được cái bằng Tú Tài bán của năm Đệ Nhi Đồng Khánh, chúng tôi đã phải vạch chương trình cho học hành, chăm chỉ. Phải đọc nhiều sách, tham khảo nhiều bài giảng được các Thầy, Cô nghiên cứu, giảng dạy và in thành sách. Cho nên năm Đệ Nhất Quốc Học, chúng tôi đã bớt vui chơi, hết mộng mơ và khép kín trái tim cho Học, Thi đỗ và tìm đường đi vào Đại Học. Chỉ có đỗ đạt mới tiến thân được thôi! Xin chào buồn năm phút, vì chúng tôi đang vào tuổi 17, 18, 19, tuổi của trái tim mới biết rung động, xúc động và cảm động. Biết yêu, biết thích …
Học Quốc Học có nghĩa là chúng tôi lần đầu tiên học chung với con trai sau sáu năm tu hành trong ngôi trường nữ Đồng Khánh. Áo trắng, tóc dài tung bay như bướm lượn dưới các tàng cây phượng xanh um, đỏ ối, hay khẳng khiu của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Đẹp thật nhưng thiếu tình vì thiếu bóng dáng con trai áo trắng quần xanh, tóc ngắn…
Cũng có vài ngoại lệ. Vài bạn trai gái đã biết nhìn nhau, rung động rồi yêu nhau. Đó là những cặp tình nhân đẹp nhất đối với chúng tôi hồi đó. Nhìn họ đi bên nhau, áo trắng nàng bay vướng chân chàng, đôi mắt ướt sủng yêu đương. Nhưng tôi nghĩ họ chỉ dám nhìn nhau, đi bên nhau, và đã để cho đôi tay buồn bã buông thỏng hay ôm chặt cặp sách vào người. Chúng tôi nhìn họ lòng cũng rộn ràng ước mơ. Nhưng thôi hãy khép chặt bờ mi, ngậm ngùi thương tiếc một thời đang đẹp sắp đi qua…
Rồi cũng thi đỗ được Tú Tài 2. Đa số các bạn ở lại học Đại Học Huế. Đã có nhiều phân khoa: Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Luật, Y khoa.
Những đôi nhân tình lại tiếp tục bên nhau trong giảng đường. Đại Học Huế lại bắt đầu đón nhận những tình yêu mới, chững chạc hơn, gắn bó hơn, vì các bạn trai gái đã lớn, đã biết trách nhiệm cuộc đời mình. Họ yêu nhau và cùng nhau nhìn về một hướng. Lại học hành, đỗ đạt, ra trường. Nhưng họ vẫn bên nhau, yêu nhau và nhìn đến một tương lai màu hồng cho một ngày mai…
Bây giờ nhìn lại, dù đi xa hay ở lại trong nước, những chuyện tình Đồng Khánh-Quốc Học đã đơm hoa, kết trái. Ở đâu cũng thấy những cặp “ôn mụ” rất Huế, rất Đồng Khánh-Quốc Học, thành vợ thành chồng, sinh sôi nẩy nở với những đứa con ngoan giỏi, rồi đến các cháu…
Dòng đời xuôi chảy, lũ chúng tôi đã vào tuổi 65, 66, 67. Con cái đã thành thân, thành nhân. Rồi cũng chồng chồng, vợ vợ, con con… để cho tất cả chúng ta bây giờ đang được làm Ôn Mệ, nội và ngoại.
Tôi không có duyên với Đại Học Huế vì tôi đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn. Anh chị em chúng tôi không thể cứ bám vào người mẹ vất vả kiếm sống nuôi con. Không muốn thi vào những ngành nghề Trung cấp thì phải ráng tự xoay xở để vào học Đại Học. Nhiều ưu tư và trăn trở đã làm cho tuổi hoa niên của tôi không còn vui đẹp nữa. Và tôi đã chọn con đường vào học Đại Học Saigon vì ở Saigon tôi có việc làm ở nhà xuất bản Trường Thi. Chị họ tôi đã giúp tôi làm việc cho chị và dạy kèm hai đứa con của anh chị. Nhà xuất bản Trường Thi là nơi đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên có điều kiện học hành, đỗ đạt và được tuyển chọn vào ban giáo sư để soạn bài, ra sách cho học sinh trung học.
Sinh viên Huế học hành vui vẻ, hăng say vì có đôi có bạn, có tinh thần học tập. Xứ Huế nhỏ, gọn và đẹp. Đại Học Huế đã gắn liền được bao cặp tình nhân xuất sắc để rồi khi ra trường thành vợ thành chồng, làm việc giỏi, xây dựng tương lai con cái đàng hoàng, sự nghiêp vững vàng và luôn tiến thân. Tôi có một vài đôi bạn vợ chồng đang là…
Học Đại Học Saigon là vô cùng cô đơn, và tôi đã thấm thía cái cô đơn ấy trong mấy năm. May mà rồi tôi cũng kiếm được một chàng Quốc Học mà lứa của anh ấy hồi đó là học trò trường Khải Định (Quốc Học sau này). Có được một chàng Huế Quốc Học là yên tâm, nhung Huế với chúng tôi cứ càng ngày càng xa. Chúng tôi làm việc ở Nha Trang, Đà Lạt và Saigon nên ít có dịp trở lại Huế
“Đời đẩy tôi đi những phố câm
Em biết nơi mô tội nghiệp giùm
Ôi chút phong tình thơ ấu cũ
Là bão tan dần đôi cánh chim”
Càng xa Huế tôi lại càng nhớ Huế và nhớ khôn nguôi hai ngôi trường yêu dấu mà Quốc Học là điểm hẹn cuối cùng của một thòi tuổi trẻ.
“Tôi nhớ hơn là chim nhớ mây
Nhớ mùa thu, nguyệt xuống heo may
Nhớ ơi, xa quá… ơi là nhớ
Mưa giọt vô tình trong đêm nay.”
Tôi nhớ bạn tôi, rất nhiều trong ngôi trường lịch sử này. Đáng lẽ tôi vào Đệ Nhất niên khóa 60-61 với Ấu Lăng, Ngọc Trinh, Ngọc Túy, Nhụ Hương, Hoàng Lan, Minh Túy, … nhưng vì hoàn cảnh tôi đã bỏ dở cơ hội. Năm sau, niên khóa 61-62 tôi mới chính thức vào học Quốc Học. Năm trước tôi phải đi xa, vào Saigon lo vài công việc nhà và chữa bệnh đau đầu.
Niên khóa này tôi đã gặp Bích Diễm, Lê thị Hàn, Phước Định, Quyên, Diệu Anh, và một số bạn cũ Phương Thảo, Bích Đào, Nam Trân, Kim Hương, Minh Nguyệt, Xuyến …
Bạn trai cũng khá đông nhưng tôi chưa thuộc tên hết. Tôi nhớ có Phương, Thuận, Bửu Chánh, Bửu Dũng, Tôn thất Dũng, Anh Tuấn … và một vài chú Điệu đi tu học chung.
Đệ Nhất là năm được học môn Triết đầu tiên. Học Đạo đức với một ông thầy trẻ mà tôi đã quên tên, Siêu Hình với thầy Uyên, và Tâm Lý với cô Diệu Trang.
Cô Diệu Trang là một cô giáo trẻ đẹp và mang vóc dáng của tài tử điện ảnh Liz Taylor qua nụ cười đằm thắm và êm đềm. Cô lớn hơn chúng tôi khoảng 3, 4 tuổi và đó là năm đầu tiên cô dạy học. Chúng tôi cũng rất hân hạnh làm lứa học trò đầu tiên của cô giáo trẻ. Cho nên Cô và trò trông ngang nhau.
Có thể có vài chàng trai trong lớp thích Cô, yêu Cô vì tuổi mới lớn lần đầu biết rung động trước một người đẹp, dịu dàng và trìu mến. Bọn con gái chúng tôi đa số cũng rất thích và yêu mến Cô như chúng tôi cũng đã từng yêu quý một vài cô giáo trẻ lần đầu vào dạy Đồng Khánh với lũ nhóc con Đệ Thất, Lục, Ngũ. Tôi vẫn luôn luôn nhớ cô Thanh Tâm, cô Quế Hương, cô Diên Chi, cô Thu Ba, cô Minh Châu …
Giờ học của cô Diệu Trang rất vui vì Cô là người thầy đầu tiên đưa chúng tôi vào môn Tâm lý học. Môn học này giúp chúng tôi biết nhìn ngắm lại mình với cái tuổi 18 quá đẹp - tuổi của lãng mạn, mộng mơ, tuổi chớm biết yêu, biết buồn, biết nhớ …
Nhưng cái bằng Tú Tài quái ác đã triệt tiêu những rung động, tình cảm đầu đời. Tất cả cho học Thi và Đậu để làm nhịp cầu bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Đôi khi buồn quá vì thấy hồn mình đang thiếu thiếu một cái gì nên tôi thường lẩm nhẩm hát bài “Thơ Ngây” để làm dịu lại những rung động đầu đời vì “lắm buồn nhớ bâng khuâng, lắm yêu đương, lắm tơ vương, nước mắt không vơi hết lúc thơ ngây.”
Và Quốc Học, Đồng Khánh, Huế là người tình đầu tiên của chúng tôi.
Tôi xa Huế từ năm 19, xa trường, xa bạn, và tưởng là cái xa đó quá dài, quá lớn. Thế mà rồi tôi còn phải xa cả Việt Nam vào năm 1990.
Sau năm 1975, tôi đi dạy trở lại sau thời gian làm việc ở Bộ Xã Hội và làm trình dược viên cho một công ty nhập cảng thuốc Tây.
Tôi lại được gặp cô Diệu Trang cũng đi dạy trở lại sau thời gian làm Hiệu Trưởng ở NhaTrang. Tình cô trò bây giờ chuyển sang tình chị em, vì thầy Hồng Giũ Lưu là bạn của anh tôi và chồng tôi. Thầy Lưu còn là thầy giáo Toán của con gái tôi. Con trai Cô Thầy là bạn cùng lớp với con gái thứ hai của tôi. Một vòng tròn thân ái khép kín tròn trịa – như một chút duyên của trùng trùng duyên khởi – thuyết Duyên Sinh của nhà Phật.
Chừng đó đủ cho tôi được trở về với Quốc Học xưa để kết dây thân ái với Thầy Cô bạn bè cựu học sinh Quốc Học Huế ở Saigon. Được xem đĩa DVD mừng Xuân Mậu Tý của cựu học sinh Quốc Học SG, tôi được nhìn lại những khuôn mặt thân quen của Thầy Cô bạn bè làm lòng tôi chùng lại và nhớ ôi là nhớ …
“Mùa đông cứ Huế chao ôi nhớ
Những đứa con đau thắt nỗi nhà
Hỡi ơi cố lý là quê cũ
Áo trắng qua cầu em có qua.”
21/06/2008

Quán Cà Phê ở đường Đinh Tiên Hoàng

Hê...hê…hê…
Đúng là ….trôi nỗi nhưng không chìm….
Keep going, Ha` chè…để phêê eeeee…
Thấy Hà chè cầm viết, Hoàng Xì cũng ngứa nghề lắm, nhưng đời engineer đi làm thuê cho Xì Thẩu cực còn hơn cái job của mấy em Thúy Kiều thế kỷ 21 ở Thẩm Quyến này… Thôi thì có mấy đoạn viết về đường Đinh Tiên Hoàng đã lâu, post lên cho thằng Mập… phê chơi…..

“Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ…..” Cung Tiến.
Nói dóc chơi chơi về mấy cái quán hay mấy cái địa chỉ rong chơi khác của Sàigòn ngày xưa thì thằng nhỏ còn tỉnh táo được một chút, nhưng mỗi khi con đường Đinh Tiên Hoàng và cái quán cà phê Hân hiện ra trong trí nhớ của nó, thì nó lại như phát điên và rống lên …


Nổi nhớ đó của nó bắt đầu từ một bãi cỏ trong khuôn viên trường ngày xưa – cây đàn guitar sinh viên – giọng hát con gái học trò – Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm song lênh đênh…… Nó rãi ngón tay trên cây guitar thùng, cố vuốt cho tròn những nốt nhạc cuối chót của bài hát – Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng…..

Rồi chiếc Honda dame 50 đưa hai đứa nó băng qua những con đường tình học trò của chi khoa Thủ Đức, qua tới xa lộ rồi nhập vào dòng đời… Rồi người ta chợt thấy hai đứa học trò Sinh Lý Sinh Hóa cúp cua buổi học, lang thang trên đường Đinh Tiên Hòang chập chùng bóng nắng – Và quán cà phê Hân, và những hoa nắng xuyên qua những tàn lá me rơi xuống trên vai áo học trò của đám con gái Trưng Vương trong buổi chiều tan học. Khẻ mút nhẹ chiếc ống hút trên ly cà phê kem, đứa con gái đưa mắt nhìn ra đường… Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay… Nó hít mạnh một hơi Bastos… Ừ thì… Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu…

Và đã ba mươi năm rồi (1971-2007), và nó cũng đã … bạc đầu, nhưng mỗi khi trí nhớ của nó được có dịp rong chơi trên những địa chỉ của kỷ niệm ngày xưa… là người ta lại nghe nó rống lên… “Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ…
Nhưng Dallas – LA xa quá…, làm sao con nhỏ bạn ngày xưa của nó nghe được… Thật khổ thân cho thằng bạn!!!
Hoàng Xì.

Tuesday, June 24, 2008

Mưa

Để nhớ mà "phê mưa" Sàigòn, một trạng thái thời tiết quý hiếm ở nơi đây - chốn xa quê nhà. Mượn bài của cô cháu để riêng gửi đến mấy thằng bạn thường trực lãng đãng khói mây trong cỏi nhạc Trịnh Công Sơn.
Lời người quản bút
...

Sàigòn chỉ có hai mùa mưa nắng. Sàigòn không có Thu và Đông. Mùa đông Sàigòn thì nắng vàng rực rỡ, Thu Sàigòn đong đầy những cơn bão rớt. Nhưng Sàigòn mùa Xuân lại có lá vàng rơi…”có mùa Thu nào đang ở lại…” (Trịnh Công Sơn). Mỗi độ tháng tư về hai hàng cây sao ven những con đường Pasteur, Duy Tân, Công Lý bắt đầu trút lá. Từng cánh hoa sao nhỏ tí, những trái sao như những nốt nhạc xoay theo gió tung thả tự do, và lá sao vàng rơi lả tả xuống mặt đường. Saigon vào khúc giao mùa…

Mùa mưa bắt đầu bay qua thành phố. Đã có những cơn mưa đầu mùa vào độ cuối tháng tư. Không khí dần nặng mùi hơi nước và thoảng mùi hăng hắc của hơi đất khi những giọt mưa đầu mùa rơi xuống. Mưa mang về cho Saigon làn không khí ẩm mát dịu sau những tháng dài nóng bức. Mưa mang lại những hoài niệm mênh mang cho người xa xứ.

Những ngày đầu lưu lạc đến xứ Mỹ nhiều năm trước tôi đã nhớ vô cùng những cơn mưa mùa hạ của Sàigòn. Trời Cali hiếm khi mưa. Khí hậu khô và hanh. Ít mưa nên Cali cũng hiếm cả màu xanh cây cỏ. Dọc suốt từ San Diego lên đến San Jose chỉ là những freeway chạy dài qua nhũng thành phố lớn nhỏ vàn những ngọn đồi cháy nắng… Lại ước gì được đạp xe duói hai hàng cây rợp bóng ven đường. Và lại nhớ lắm mùa mưa Sàigòn. Mong ước cháy lòng một đêm nào tỉnh giấc giữa khuya lại được nghe thấy tiếng mưa rơi đếu trên mái ngói, gõ nhịp lên những hè phố…

Rồi một đêm về sáng tôi lại nghe như có tiếng mưa – một cơn mưa xa từ chân trời lan đến. Tiếng mưa mong manh nhẹ nhàng như ru đã mang tôi về lại với những mùa mưa nhiệt đới ở quê nhà. Mơ hồ tôi bước ra hiên. Thế rồi chỉ một thoáng tôi nhận ra rằng đó chỉ là thanh âm của những vòi nước tự động cứ đến giờ lại phun nước tưới những thảm cỏ quanh nhà…


Tôi nhớ quá những cơn mưa rào cuối hạ của Sàigòn, những cơn bão rớt đi qua thành phố. Thèm một cơn mưa thật là mưa, những cơn mưa mang hơi thở quê nhà vơi mộng mơ lẫn phiền toái, những vui sướng lẫn khổ đau mà mùa mưa mang lại…

Sàigòn tháng sáu, tháng bảy giữa mùa mưa… Mưa sáng mưa trưa mưa chiều mưa tối. Mưa rào và cả mưa giông. Sàigòn tháng tám là những cơn mưa dầm, mưa bong bóng của những cơn bão rớt đi qua thánh phố.

Mùa mưa, mùa của nhũng kẻ mộng mơ.
Mùa mưa cũng là mùa nhọc nhằn thêm cho nhũng mảnh đời mưu sinh ngoài hè phố.
Có những lúc thức giấc nủa khuya nằm nghe tiéng mưa gõ nhịp buồn tênh trên mái nhà roi từ máng xối xuống hiên nhà, chột chạnh lòng với nhũng gánh hàng rong đi trong mưa gió. Những tiếng rao khuya mỏi mòn yếu ớt, những tiếng rao âm thầm buồn tênh của những kiếp người nhọc nhằn với gánh mưu sinh oằn trên vai.
Mưa, cả thành phố ngủ say.
Mưa gõ nhịp trên hè phố.
Mưa theo tiếng guốc cô độc của người kỹ nữ về khuya trong ngõ tối.
Mưa quất vào nhũng chiếc xích lôlặng lẽ đạp trong đêm…
Sàigòn mưa… “phố bỗng là dòng sông uốn quanh…” (Trịnh Công Sơn)

Mưa Sàigòn là cả một trời tuổi thơ tôi với những lần tắm mưa nhông nhông trong sân nhà, là những lấn tan hoc đạp xe dưới làn mưa trắng xóa…

Sàigòn bây giờ chật chội và đông đúc với những người và xe, nhà cửa và cao ốc… không còn khoảng trống nào cho con nít tắm mưa, không còn những con đường vắng cho những đôi bạn bè, tình nhân lang thang…

Có những khoảnh khắc, nhũng quãng đời không bao giờ trở lại như nước sông cứ mãi xuôi dòng….
Tôn Nữ Phương Thảo

Wednesday, June 18, 2008

Làng tôi

Người viết, Tôn Nữ Phương Thảo, người con gái thích chơi ngẵng từ bé, cháu gọi tôi bằng cậu. Cùng với mẹ và người em gái sang Mỹ đoàn tụ với cha sau bao nhiêu năm đợi chờ giấy tờ bảo lãnh. Học xong đại học ở Mỹ, một lần nữa chơi ngẵng và cường độ hơn, trở về Việt Nam làm việc trong ngành ngân hàng, lấy chồng và sinh con.
Phuơng Thảo sống và lớn ở Sàigòn, ra đi và trở lại Sàigòn. Vậy mà Huế vẫn luôn là giọt nước mắt nóng-hổi-ray-rứt-hòai-hương của riêng Phương Thảo. Và có lẽ cũng là của chung cho tất cả "Huế mình".
Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
o đau sương khói một mình
tui đi ray rứt Nội thành tái tê
Trích trong Huế Buồn Chi của nhà thờ Hoàng Xuân Sơn, một rất "Huế mình" và cũng là cậu của Phương Thảo.


Làng Long Hồ của bà ngoại tôi là một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế chỉ khoảng 3 cây số đi từ hướng chùa Thiên Mụ vô. Thời thơ ấu tôi đã đến đó nhiều lần cùng với mẹ. Nhiều năm trôi qua, vật đổi sao dời, moi thứ đã thay đổi nhưng ký ức về ngôi làng nhỏ đó vẫn tươi nguyên như ngày nào trong lòng tôi. Nhịp sống thanh bình ờ làng vào những buổi chiều tà thơm mát như vẫn còn đâu đó trong tâm tưởng.

Chiều xuống dần, khi mặt trời hãy còn lấp ló sau dãy Ngự Bình thì cũng là lúc những người nông dân về nhà sau một ngày dài phơi mình với đồng ruộng. Vài con chó vẫy đuôi sủa mừng đón chủ. Những con trâu đang chậm rãi bước về chuồng. Nằm vắt vẻo trên lưng một con trâu, anh trai làng đắm mình trong điệu sáo trúc. Đây đó vài em bé đang thả diều, xa xa đàn bò lười biếng nằm nhai lại….

Bên bến sông làng cô thôn nữ vừa vo gạo nấu cơm chiều vừa nghêu ngao hát một bài dân ca cũ. Xuôi theo dòng Hương giang, một con thuyền câu lững lờ trôi. Hai bên bờ sông, những lũy tre xanh ngát soi mình xuống dòng sông xanh. Và về phía những cánh đồng là những vạt lúa chín vàng mênh mông óng vàng trong ánh chiều tà.

Chiều muộn hơn, khói bếp bắt đầu lan tỏa. Mùi cơm chín, thịt nướng, mùi rơm rạ đun bếp và cả mùi oai oải của phân trâu bò khô quyện lại thành một thứ hương quê mê đắm.

Xa xa vọng lại tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông chiều tan vào buổi chiều kết thúc một ngày. Tiếng chuông chiều đó có lẽ còn xưa hơn bài dân ca cô thôn nữ hát, vẫn ngân nga mỗi chiều từ thuở hồng hoang ngôi làng bước vào cuộc sống.

Một ngày như mọi ngày ở ngôi làng cổ. Mọi thứ vẫn vậy. Chẳng có gì mới hơn. Người dân quê vẫn sống cuộc đời thường nhật. Tiếng chuông chiều vẫn ngân nga mỗi chiều từ hàng trăm năm nay, kéo dài quá khứ nối liền hiện tại cũng như bài hát dân ca cũ các cô thôn quê vẫn hát mỗi chiều.

Dạo đó mẹ tôi vẫn thường đưa hai chị em tôi về làng mỗi độ hè về. Tuổi thơ tôi ở đó cũng như bao đứa trẻ quê khác đong đầy những trò chơi quê với ô làng (ô quan), đánh đũa, cưỡi trâu, thổi sáo, thả diều….

Rồi một ngày chiến sự lan đến vùng làng quê nghèo khó của tôi. Đó là những ngày đầu xuân 1975…
Dân cư khắp bốn vùng chiến thuật tràn về thành phố. Ngôi nhà ở Saigon của gia đình tôi chật đầy bà con, họ hàng, bạn bè. Người đến từ ngôi làng nhỏ Long Hồ, người vô từ đô thị Huế gần đó, số khác từ miền Trung du xuống…. Tất cả đều tản cư về phương Nam để tránh những trận chiến khốc liệt của quân Bắc Việt. Tôi đã thật vui mừng gặp lại những người bạn cũ và anh chị em họ ở làng. Thuở đó ở tuổi lên 10 vô tư chúng tôi nào có để ý đến thời sự và chiến tranh…

Rồi Saigon thất thủ. Cuộc nội chiến hơn hai mươi năm kết thúc.

Mọi người rời đi. Một số trở về quê cũ, số khác di tản khỏi Việt nam, số thì ở lại Saigon.
Cuộc sống thời hậu chiến vô vàn khó khăn. Đất nước thoát cảnh chiến tranh nhưng lại đối mặt với nghèo đói và bệnh tật. Người ta vẫn chết không vì bom bay đạn lạc mà vì bần cùng và cả vì những quả bom hay mìn còn sót lại đây đó trong lòng đất Việt nam. Rồi một ngày kia tôi được tin một người bạn thời thơ ấu chết vì dẫm phải mìn khi đang cùng với con trâu cày bừa trên mảnh ruộng nhà. Cả người và vật đều tan vào với đất….

Tôi đã không trở về làng từ dạo đó.

Nhiều năm trôi qua…

Rồi một ngày của năm 2001 tôi trở về Huế. Tôi đã đi thăm lại nhiều chốn cũ của tuổi thơ tôi. Tôi về thăm lại ngôi nhà hương hỏa bên nội, nơi tôi trải qua năm đầu của cuộc đời tôi. Tôi đi thăm Phủ Tuy Lý nơi mẹ tôi sống thời thơ ấu của bà cùng với các cậu. Tôi về Vỹ dạ, tôi qua Đập đá. Tôi đi viếng mộ ông bà nội ngoại của tôi. Tôi đến chùa Thiên Mụ nơi tôi được ba mẹ bế đến Quy Y tam bảo…Nhưng hơn tất cả mọi nơi, có một nơi trái tim tôi thổn thức đòi về. Tôi đã sợ không dám về thăm ngôi làng nhỏ bên bờ sông Hương.

Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi tôi rời Huế. Cảnh vật đã khác xưa. Không một nơi tôi về còn lại như cũ. Mọi thứ không như tôi vẫn hằng nhớ và hồn tôi nặng trĩu trên từng bước chân về lối cũ, về miền ký ức thuở nào… Trái tim tan nát của tôi mách bảo tôi đừng về nơi ấy về lại ngôi làng xưa yêu dấu để rồi thấy mình là kẻ lạ ở chốn xưa.

Tôi rời Huế…lòng vẫn tự hỏi lòng….nơi ấy thế nào?.... “và những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ” (thơ Vũ Đình Liên). Và có lẽ tôi cũng không muốn biết câu trả lời.

Rồi cùng thời gian qua…cuộc sống tôi cũng thay đổi với những bộn bề lo toan đời thường.
Thế nhưng đâu đó trong miền ký ức vẫn là con bé tôi ở ngôi làng cũ ấy của hơn 30 năm về trước. Tôi hứa với hai con gái một ngày nào đó tôi sẽ đưa con về làng, ngôi làng xưa đã lưu giữ một phần tuổi thơ tôi. Còn giờ đây chỉ còn trong giấc mơ, ngôi làng cũ sống động hơn bao giờ, vẫn còn đó những thằng bé cưỡi trâu, tiếng chó sủa dồn, tiếng gà me cục tác gọi đàn con về chuồng. Tôi lại nghe thấy mùi rơm rạ cháy và cả tiếng côn trùng rả rích trong những đêm hè…
Như có một gịot nuoc mắt nóng hổi vùa lăn xuống, và tôi nhận ra rằng vùng đất ấy vẫn luôn luôn sưởi ấm tim tôi chừng nào trái tim ây vẫn còn đập nhịp với đời….
Tôn Nữ Phương Thảo

Thursday, June 12, 2008

Nhà...

Cuối ngày của một sinh hoạt bất kể là công việc hay vui chơi, mọi người “đi về nhà”. Chữ “về nhà” nghe rất êm ái mời gọi. Chữ “về nhà” có cảm giác buông hết để nghỉ ngơi. Chữ “về nhà” là hình tượng hạnh phúc. Người Hoa Kỳ cũng vậy “home sweet home”, it expresses the very same meaning. Có lẽ các ngôn ngữ khác cũng diễn tả giống như vậy thôi khi “đi về nhà”.

“Nhà”, liên hệ vô cùng cần thiết trong đời sống nhiễu nhương đến độ mong manh hôm nay. Ngày ngày, gánh trên vai một gánh đời nặng nhẹ tùy lúc. Dù nặng dù nhẹ cũng phải gánh, đường đời thì không bằng phẳng, nhiều khi quanh co, thử tưởng tượng không có “nhà” để nghe lời gọi về êm ái, không có “nhà” để có cảm giác nghỉ ngơi, không có “nhà” để thấy hình tượng hạnh phúc, thì gánh đời nặng nề và đường đời cô độc biết chừng nào.

Có những lúc mưa nắng ở ngoài trời kia, thì “nhà” cũng có lúc nắng mưa. Nắng thì nóng mà mưa thì lạnh, nhũng trạng thái bất thường ấy đôi khi làm nặng hơi thở thường ngày, nhưng không có những lúc khó thở thì làm sao biết được nhịp thở đồng điệu ngày ngày là tuyệt diệu hạnh phúc.

“Nhà”, liên hệ vô cùng cần thiết cho đời sống đầy cám dỗ hôm nay. Con người vốn dĩ có khuynh hướng quy hàng tật xấu. Có những quy hàng vụn vặt làm thành những ngày nắng mưa bất thường và cũng có những quy hàng giông bão mất hết cửa nhà. Thì “nhà”, vượt trên cả những điều răn tôn giáo, vô hình chận đứng con đường sa tăng bằng hình tượng hạnh phúc mà con người cảm nhận được.

Tôi được thượng đế ban cho một đời sống may nhiều hơn rủi. Có loại may mắn được lần nào biết lần ấy thôi, có lọai được một lần hưởng cả một đời. Có cái may mắn phải cần thêm duyên số mà thành. Cái may mắn có rồi thì phải trau chuốt mà giữ. Cái may mắn đó tôi cũng đã được trời cho. May mắn có “nhà”. Có “nhà” từ độ xinh tươi như nụ hoa Xuân. Từ đó có “nhà” mỗi ngày trong đời cho đến hôm nay. Mỗi ngày trong đời nhìn lại là cả một quảng đường dài có nắng có gió có giông có bão nhưng rất nhiều yêu thương và lắm nồng nàn.

Mỗi ngày trong đời, tôi vẫn cảm ơn thượng đế về những may mắn được ban. Mỗi đêm trong ngày, tôi vẫn lắng nghe nhịp thở bình yên bên cạnh mà mong được đồng điệu thở cho hết nhịp thở an lạc hạnh phúc. Và khi hết, xin được tắt chung hơi thở bình an cùng "nhà".

Từ nay tôi đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân. TCS

Nguyễn Hoàng Hà – sáu/không tám